Thân thế và sự nghiệp Nguyễn_Thần_Hiến

Thân thế

Chí sĩ Nguyễn Thần Hiến sinh năm Đinh Tỵ (1857)[3] tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên; nay là thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Thuở nhỏ ông được cha đặt tên Nguyễn Như Khuê, năm 18 tuổi ông tự đổi là Nguyễn Thần Hiến[4]

Tổ tiên ông gốc người Quảng Trị, làm quan đời Gia Long. Ông nội ông vì không đứng về phe tôn lập Nguyễn Phúc Đảm (Minh Mạng) lên ngôi, sợ bị liên lụy, nên đem gia quyến vào Nam, định cư ở Vĩnh Long. Ông nội ông mất sớm, để lại một con trai duy nhất là Nguyễn Như Ngươn, tức cha ông.

Làm Tri huyện ở Vĩnh Long một thời gian, ông Ngươn được bổ vào Hà Tiên giữ chức Kinh lịch[5] Sau được thăng Tri huyện (1864), lúc sắp mãn phần, thăng Kinh huyện.

Theo sách Nghiên cứu Hà Tiên, thì trước khi cưới bà Chu, ông đã có người vợ chánh (chưa rõ tên), sinh cho ông một trai tên Nguyễn Như Thoại và một gái tên Nguyễn Thị Tài.Năm Tự Đức thứ 17 (1864), ông Ngươn cưới thêm vợ thứ tên Huỳnh Thị Chu, gốc người Minh Hương, sinh trưởng ở Hà Tiên. Bà Chu sinh cho ông hai trai và một gái, gồm: Nguyễn Như Khuê (tức Nguyễn Thần Hiến), Nguyễn Như Quỳ và Nguyễn Thị Dương [4].

Ở Hà Tiên

Đình thần Thành hoàng xã Mỹ Đức, do Nguyễn Thần Hiến vận động nhân dân kiến tạo.

Lên 5 tuổi, Nguyễn Thần Hiến học chữ Hán với một thầy người Hoa gần nhà, nổi tiếng là một cậu bé thông minh và có sức nhớ dai. Năm 10 tuổi, ông đến Châu Đốc thụ giáo với một cụ đồ nho danh tiếng. Đến năm 12 tuổi, ông đã tỏ ra khá thông hiểu triết lý Khổng Mạnh và thi văn.

Khi trưởng thành, ông về lại Hà Tiên (chưa rõ năm nào), mở lớp dạy chữ Nho và chuyên nghề bốc thuốc Bắc và châm cứu.

Vốn bản tánh ông nhu hòa, lời nói thanh nhã, lại giỏi nghề y nên ông có nhiều bằng hữu, đông học trò và người bệnh.

Sách Nghiên cứu Hà Tiên, kể:

Ở Hà Tiên, thời kỳ 1888-1901, ông cùng với quý ông Lâm Tấn Đức, Lê Quang Chung, Huỳnh Đăng Khoa, Phụng Lai Nghị, Lê Quang Chung, Nguyễn Phương Chánh, La Thành Đầm... ra sức chấn hưng nền học vấn tại địa phương, đồng thời phục hưng nền văn học Chiêu Anh Các. Bởi vì trước đó có một thời, thơ văn của tao đàn này hầu như bị lãng quên sau việc con cháu Mạc Công Du phải thọ nạn vì liên can tới vụ binh biến Lê Văn Khôi (1833-1835), nên ít người dám cất giữ...[6]

Đến Cần Thơ

Năm 1902, mẹ ông qua đời, thì tuổi ông cũng đã bốn mươi lăm và đã là một điền chủ ở Hà Tiên. Trong năm này, ông Hiến quyết định đưa cả gia quyến về sống ở Cần Thơ. Và ở đây, ông có thêm nhiều bạn đồng "chí hướng" mới.

Vào một ngày tháng 1 năm Giáp Thìn (1904), Nguyễn Thần Hiến qua Sa Đéc thăm người bạn thân là Đặng Thúc Liêng (1867-1945), tình cờ gặp nhà chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940) từ Thất Sơn trở về. Kể từ cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên này, ông Hiến đã trở thành một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp cho phong trào Đông Du do Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính gây dựng tại Nhật năm 1905.

Ngoài việc tuyên truyền, vận động cho nhiều ngành, nhiều giới tham gia phong trào; điểm nổi bật nhất của Nguyễn Thần Hiến đó là việc ông đứng ra thành lập Khuyến Du Học Hội vào năm 1907, nhằm vận động học sinh sang học tại Nhật[7], tổ chức nhiều cơ cấu cách mạng tại miền Nam để tích cực ủng hộ phong trào. Và chính ông đã tự nguyện ủng hộ một phần lớn gia tài giúp vào quỹ du học sinh. Tổng cộng món tiền là 20.000 đồng. Vào năm 1908, số tiền ấy có giá trị bằng hàng trăm lạng vàng.[8]

Tháng 3 năm 1908, ông Hiến cho người con trai duy nhất của mình là Nguyễn Như Bích sang Nhật, vào học tại Đồng Văn Thư viện. Nhưng cuối năm ấy, Pháp - Nhật ký xong hiệp ước bang giao, và thể theo yêu cầu của Pháp, Nhật hoàng cho trục xuất tất cả du học sinh Việt Nam về nước, trong số đó có Nguyễn Như Bích.

Lúc bấy giờ, phong trào Đông Du ở Nam Kỳ còn lâm cảnh khó khăn hơn nữa, bởi sự bất cẩn của một du học sinh tên Trần Công Huân, người Cái Bè (Mỹ Tho). Vì cả tin, Huân đã đem tài liệu mật giao cho một người giữ giùm, mà người này đang bí mật làm việc cho Pháp, cho nên sau khi bắt Huân và một số du học sinh khác vừa từ Nhật trở về, Pháp cũng ra lệnh bắt ngay những người đứng đầu tổ chức.

Ra nước ngoài

Sang Xiêm La

Năm 1908, từ Cần Thơ, nhờ người quen giúp đỡ, Nguyễn Thần Hiến theo ghe đánh cá sang Chantaboun rồi lên Bangkok (Xiêm La), giấu mình bằng cái tên Hoàng Xương và hành nghề đông y.

Cuối năm này, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (1882-1951) sang Xiêm, ông có tìm đến yết kiến và được cử làm Tổng Ủy viên sự vụ, giữ trọng trách liên lạc với các đồng chí ở Nam Việt.

Năm 1909, Phan Bội Châu cũng sang Xiêm, được ông Hiến giới thiệu với nhà sư Thiện Quảng Thiền, ở chùa Phổ Đức. Biết phong trào Đông Du ở hải ngoại đang lâm cảnh khốn đốn, nhà sư trở về Nam Kỳ và đã quyên góp được khoảng 2.000 đồng.

Năm 1910, Thiện Quảng Thiền trở về nước lần nữa, thì bị lộ. Nhà sư bị Pháp bắt giết tại vùng rừng núi Tây Ninh, khi đang tìm đường chạy sang Cao Miên. Năm đó, nhà sư mới 50 tuổi [9]. Sợ Pháp dò la được tung tích, Phan Bội Châu liền rời khỏi Xiêm, và cuối năm đó (1910), Nguyễn Thần Hiến cũng giả làm người Trung Quốc, đáp tàu từ Xiêm sang Hồng Kông tìm Cường Để và Phan Bội Châu.

Qua Trung Quốc

Sau ba tháng học tiếng Quan thoại, Nguyễn Thần Hiến lãnh nhiệm vụ liên lạc với các đồng chí người Trung Quốc và người Việt ở nhiều nơi, như Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Quảng Đông, Mãn Châu... Mỗi khi thiếu hụt, ông liền xoay trở bằng nghề làm thuốc hoặc viết báo để sinh nhai và để giúp đỡ các đồng chí khác. Đầu năm Tân Hợi (1911), bởi người Pháp kiểm duyệt thư từ đi lại và tịch thu tất cả tiền bạc từ nước Việt gửi sang, Phan Bội Châu đành phải tạm ngưng hoạt động, trở lại Xiêm ẩn náu nơi đồn điền của bạn.

Sau khi Cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc thắng lợi, đa số đảng viên Duy Tân hội[10] hoạt động bí mật, theo đường lối quân chủ, chủ trương "bài Pháp, giành độc lập", muốn theo chủ nghĩa dân chủ, từ bỏ quân chủ. Vì vậy, Phan Bội Châu, một trong những người sáng lập, nhận thấy cần phải triệu tập một hội nghị.

Ngày 19 tháng 6 năm 1912 tại Quảng Châu, có đại diện của cả ba Kỳ[11] đều đồng ý thành lập Việt Nam Quang Phục Hội[12], để thay thế cho Duy Tân hội. Và trong tổ chức mới, Nguyễn Thần Hiến, đại diện cho Nam Kỳ, được cử vào Bộ Bình Nghị.

Đầu năm Quý Sửu (1913), hoạt động của Việt Nam Quang Phục Hội lại lâm cảnh đình trệ vì thiếu tài chính. Trước tình cảnh đó, Nguyễn Thần Hiến đến thuyết phục Cường Để, để cùng bí mật trở về Sài Gòn và nhiều tỉnh ở Nam Kỳ, nhằm vận động quyên góp tiền bạc cho hội.

Trong lao tù

Giữa tháng 6 năm 1913, Cường Để rời Sài Gòn, hẹn sẽ gặp lại Nguyễn Thần Hiến tại Hồng Kông. Đến cuối tháng, khi cả hai cùng vài cộng sự khác gặp nhau tại Hồng Kông, do một thành viên sơ ý làm nổ quả lựu đạn mới chế tạo, nên cả nhóm bị cảnh sát Anh truy nã gắt...

Vàì hôm sau, thấy tạm yên, một đồng chí của ông Hiến tên Huỳnh Hưng vừa lén trở nhà thì cảnh sát Anh ập tới bắt giam. Sau đó, ông Hiến cùng các cộng sự khác, như: Nguyễn Quang Diêu (1882- 1936), Đinh Hữu Thuật...đều bị bắt.

Chính quyền Hồng Kông, theo sách Nghiên cứu Hà Tiên, lúc bấy giờ "rất tráo trở, bắt, tha rồi bắt lại", cuối cùng vào ngày 16 tháng 6 năm 1913, cả nhóm bị chính quyền Pháp bắt khi vừa đặt chân lên nhượng địa Quảng Châu Loan.

Pháp giam tất cả vào ngục tối, xiềng xích tay chân, rồi chở về Việt Nam nhốt trong nhà lao Hỏa LòHà Nội.

Sau nhiều tháng bị tra tấn rất dữ, ông lâm bệnh thổ huyết. Khi Hội đồng Đề Hình của thực dân Pháp phán xử ông mười năm tù lưu đày qua xứ Cayenne (một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ), ông quyết tâm tuyệt thực và đã mất vào giờ giao thừa đêm ba mươi Tết Giáp Dần, tức ngày 26 tháng 1 năm 1914, hưởng dương 56 tuổi.